image banner
Kon Tum triển khai Đề án 06 của Chính phủ thiết thực, hiệu quả, góp phần cho chuyển đổi số
Kon Tum triển khai Đề án 06 của Chính phủ thiết thực, hiệu quả, góp phần cho chuyển đổi số

Từ khi triển khai Đề án 06 của Chính phủ đến nay, cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp và thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án tỉnh đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án và tích cực chỉ đạo, phối hợp các sở, ban ngành, đơn vị và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao; hiện đang tích cực làm sạch dữ liệu chuyên ngành, chuẩn hoá dữ liệu và xây dựng kế hoạch, lộ trình kết nối, chia sẻ với dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị mới, chưa có tiền lệ nên có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra để tiến tới xây dựng nền Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Để triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, nhất là phổ biến các lợi ích khi triển khai thực hiện Đề án. Hình thức tuyên truyền đa dạng bằng các bản tin trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, trên các trang Thông tin điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo của các sở, ngành, địa phương; nhất là tuyên truyền trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận Hồ sơ một cửa các cấp và Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum. Đồng thời, bố trí thiết bị, cán bộ để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận, trải nghiệm và thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Qua thời gian triển khai thực hiện, nhìn chung người dân, doanh nghiệp còn nhiều bỡ ngỡ dẫn đến tỉ lệ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Mặt khác, một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tập trung chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên việc thực hiện còn khó khăn. Đối với việc triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu (theo Phụ lục I của Quyết định số 06/QĐ-TTg), tỉnh Kon Tum cũng đã hoàn thành việc cung cấp, tích hợp các dịch vụ công thực hiện trên địa bàn tỉnh thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh (trừ dịch vụ công yêu cầu sử dụng hệ thống của bộ, ngành Trung ương). Công an tỉnh được giao chủ trì thực hiện 11/25 dịch vụ công thiết yếu đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện đúng tiến độ đề ra. Đến nay, đã hoàn thành 08 dịch vụ công thực hiện cấp độ 4, gồm: Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ CCCD; Đăng ký thường trú; Đăng ký tạm trú; Khai báo tạm vắng; Thông báo lưu trú; Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội); Thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của 10 huyện, thành phố; Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu và 03 dịch vụ công mức độ 3 là: Cấp lại, đổi thẻ CCCD; Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông. Tổng số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Kon Tum hiện nay là 1.339 dịch vụ/1.765 thủ tục hành chính; đã cung cấp, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.283/1.765 (đạt tỷ lệ 72%) đã đạt và vược 0,2% so với chỉ tiêu đề ra. Tổng số hồ sơ giải quyết trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đạt 12% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến và trực tiếp (34.020/277.307), cao gần 3 lần so với năm 2021 (năm 2021 đạt 4,6%). Về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai (tính từ ngày 15 tháng 12 năm 2021 đến 14 tháng 12 năm 2022), đã phát sinh 8.853 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công với tổng số tiền thanh toán trực tuyến 23,36 tỷ đồng. Việc thí điểm sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế đã được Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Sở Y tế hướng dẫn cụ thể và tổ chức triển khai đến các cơ sở y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đã thực hiện đồng bộ dữ liệu, tích hợp thông tin Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp vào thẻ Căn cước công dân gắn chíp. Tính đến ngày 18/12/2022, toàn tỉnh thu nhận 414.449 hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trả về địa phương 378.910 thẻ Căn cước công dân; thu nhận hồ sơ đề nghị cấp tài khoản Định danh điện tử cho 24.696 trường hợp. Hiện nay, Công an tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt Công an các huyện, thành phố tăng cường hơn nữa công tác thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân và tài khoản Định danh điện tử cho người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án các sở, ban, ngành, địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng dịch vụ công trực tuyến; một số đơn vị chưa đạt mức tối thiểu 25% nên dẫn đến chỉ tiêu chung toàn tỉnh thấp; tỷ lệ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính chưa cao; công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Công an trong việc kiểm tra đánh giá an ninh, an toàn thông tin Hệ thống công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh còn chậm. Hiện nay, các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trực tuyến đang sử dụng tài khoản của Cổng dịch vụ công quốc gia. Công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) chưa mạnh mẽ, chưa có nhiều thông tin hình ảnh để đăng ký tài khoản định danh điện tử... Đặc biệt, trên cơ sở kiểm tra an ninh và an toàn thông tin của Bộ Công an và Bộ Thông tin & Truyền thông, từ ngày 15/12/2022 Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kon Tum đã được phép kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các thủ tục hành chính không cần sử dụng Sổ hộ khẩu. Việc thực hiện Đề án 06 đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, người dân trong thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trên môi trường mạng, phục vụ tốt cho các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các nội dung của Đề án 06 một cách thực chất, hiệu quả; trong đó: tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Chính phủ bảo đảm tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh; tăng cường nguồn lực và tổ chức sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo năng lực, trình độ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các dịch vụ công trực tuyến đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân nhằm tạo sự lan tỏa, đồng thuận để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến theo đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và địa phương; hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính... Bên cạnh đó, tập trung thực hiện tốt các giải pháp đột phá triển khai trong năm 2023 do Tổ công tác triển khai Đề án 06 Trung ương đề ra, nhằm khắc phục những “điểm nghẽn trong năm 2022”, để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia và thực hiện Đề án 06 trong thời gian tới, như: Người đứng đầu các ngành, các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện lộ trình chuyển đổi số và Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các nội dung của Đề án 06, nhất là đối với những nội dung mới chưa có tiền lệ; nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện. Đẩy mạnh phát triển công dân số và tăng cường nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối dùng chung, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh...

Cổng TTĐT tỉnh

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0