22/05/2020
Xã Măng Cành: Triển vọng từ mô hình trồng dược liệu
Những năm qua, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chính quyền xã Măng Cành phối hợp ngành chức năng của huyện Kon Plông tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân triển khai nhiều mô hình trồng cây dược liệu. Qua đó, một số mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân.
Anh A Lấu - cán bộ Địa chính- Nông lâm xã Măng Cành cho biết, dự án xây dựng và nhân rộng mô hình cây dược liệu tại xã Măng Cành do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông phối hợp với UBND xã Măng Cành và Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông triển khai với quy mô 28,9 ha. Tham gia dự án có 57 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo cùng các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn. Sau 2 vụ thu hoạch, có thể khẳng định rằng mô hình phát triển cây dược liệu trên địa bàn xã là hướng đi đúng đắn và đây không chỉ là cây để giảm nghèo mà còn có thể giúp các hộ dân vươn lên làm giàu bền vững. Nếu như trước đây, người dân trồng mì hoặc bắp bình quân mỗi năm chỉ cho thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng/ha thì với mô hình trồng đương quy mỗi năm có thể thu nhập khoảng 350 triệu đồng/ha.
Anh A Vương - một hộ dân ở thôn Đăk Ne, xã Măng Cành kể lại: Khi tham gia mô hình trồng đương quy, thời gian đầu, gia đình anh được ngành Nông nghiệp huyện Kon Plông hỗ trợ giống và được cán bộ nông lâm xã xuống tận nơi hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng đương quy (từ cách xử lý đất, bón phân, gieo hạt…). Trong quá trình trồng, anh thường xuyên liên hệ với cán bộ nông lâm xã để được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Do điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở xã Măng Cành khá mát mẻ, phù hợp với cây đương quy nên quá trình sinh trưởng, phát triển của cây rất tốt. Và chính cây đương quy đã đem lại cho gia đình anh A Vương nguồn thu nhập ổn định, hơn hẳn một số loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích.
Theo anh A Lấu, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, sau hơn 1 năm trồng, cây đương quy sẽ cho thu hoạch bình quân khoảng 15 tấn/1ha và thu nhập cho một hộ dân khoảng 18 triệu đồng/0,05 ha (diện tích giao cho mỗi hộ tham gia mô hình trồng sâm đương quy ở xã Măng Cành). Hiện nay, đầu ra của đương quy và một số cây dược liệu khác trên địa bàn xã luôn ổn định. Sau khi người dân thu hoạch sẽ được Hợp tác xã chế biến Trường Tiến (đóng chân trên địa bàn) thu mua, sơ chế, đóng gói và chuyển đi tiêu thụ. Vụ mùa 2019-2020 trên địa bàn xã đã thu hoạch gần xong. Người dân đang chuẩn bị làm đất, giống để chuẩn bị trồng vụ 2020 - 2021 và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6.
Ngoài trồng đương quy, mô hình trồng sâm dây cũng được xã Măng Cành triển khai nhiều năm nay và cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó thu nhập hàng năm khoảng 600 triệu/1ha và thu nhập bình quân mỗi hộ là 30 triệu đồng/0,05ha (diện tích giao khoán bình quân cho mỗi hộ). Tổng số hộ tham gia trồng sâm dây gồm 15 hộ tại các thôn Măng Mô, Đăk Ne, Kon Kum và Kon Năng với tổng diện tích trồng 1,68 ha.
Anh A Lấu khẳng định với chúng tôi rằng, trồng sâm dây và trồng đương quy chính là những mô hình trồng dược liệu được đầu tư bài bản và có triển vọng của xã Măng Cành. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục vận động, hỗ trợ về giống, kỹ thuật cho bà con, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân duy trì và phát triển diện tích cây dược liệu trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tiếp tục phối hợp cùng với Hợp tác xã chế biến Trường Tiến triển khai kế hoạch phát triển và nhân rộng mô hình này nhằm khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của địa phương, xóa đói giảm nghèo bền vững, từng bước phát triển kinh tế- xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
(Nguồn :https://www.baokontum.com.vn/kinh-te/xa-mang-canh-trien-vong-tu-mo-hinh-trong-duoc-lieu-15143.html)